Hiện đại hóa nông nghiệp từ cải tiến dây chuyền chế biến chè xanh

Hiện đại hóa nông nghiệp từ cải tiến dây chuyền chế biến chè xanh

“Bên cạnh chiến lược quản lý vùng nguyên liệu, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, Công ty Cổ phần trà Than Uyên (huyện Tân Uyên) không ngừng cải tiến, cơ giới hóa nhà máy, làm lợi cho công ty mỗi năm 784 triệu đồng” - ông Vũ Ngọc Sang, Giám đốc Công ty khẳng định.
Dây chuyền chế biến chè hiện đại hóa
“Cái khó ló cái khôn”
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước đây Công ty sử dụng quy trình công nghệ chế biến chè xanh thủ công. Ưu điểm vượt trội đối với sản xuất chè xanh từ búp chè Shantuyet do búp to, mập, dài nhưng khi vò và làm khô cánh chè xoăn chắc, hơi thoáng tuyết, ít bị nát, tỷ lệ thu hồi cao. Nhược điểm là cần nhiều lao động, cường độ lao động cao, sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với nền xưởng không đảm bảo mỹ quan, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cũng theo ông Sang, do tiềm lực tài chính chưa cho phép đầu tư dây chuyền công nghệ mới hoàn toàn nên Công ty luôn khuyến khích cán bộ, công nhân phát huy sáng kiến, cải tiến trên dây chuyền công nghệ chế biến hiện có để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Việc không có người đề xuất ý tưởng khiến ông Sang càng thêm nung nấu quyết tâm và tự mày mò nghiên cứu. Năm 2009, ông dự định gia công chế tạo hệ thống mônô ray để cơ giới hóa phòng vò theo dây chuyền chế biến chè đen của Liên Xô và trực tiếp mời kỹ sư chế tạo trong thành phố Hồ Chí Minh ra đo vẽ thiết kế. Song thực tế không gian của nhà máy không thể áp dụng cho hệ thống mônô ray được.
Với cương vị Giám đốc công ty, ông Sang phải dành nhiều thời gian cho công tác quản lý điều hành sản xuất và việc cải tiến dây chuyền không thể diễn ra trong “một sớm một chiều”. Mãi đến năm 2011, ông mới tiếp tục chỉ đạo gia công chế tạo băng tải đưa chè vào máy sào diệt men và hệ thống rải nguội thay cho lao động thủ công. Cuối năm 2011, ông định chế tạo thử nghiệm băng tải gầm máy vò, song ý tưởng thì có nhưng điều kiện máy móc thiết bị và trình độ tay nghề công nhân cơ khí còn nhiều hạn chế.
Không nản lòng, ông Sang xuống Nhà máy Cơ khí chè Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) gặp kỹ sư Nguyễn Gia Long đề nghị gia công chế tạo băng tải thử nghiệm gầm máy vò lần 2 với 7 máy dồn theo một hàng và nâng cao máy vò lên khỏi nền xưởng 400mm, còn các máy vò lần 1 giữ nguyên. Sau khi chế tạo và đưa vào thử nghiệm, cho thấy toàn bộ lượng chè vò lần 2 đưa qua sàng tơi sang sấy hoạt động rất tốt, công nhân không phải đi lấy sản phẩm tại từng máy một để đưa lên sàng tơi.
Dây chuyền chế biến chè xanh bán tự động khép kín
Vui mừng trước thành công của cải tiến đã giảm bớt sức nhân công của Công ty, ông Sang đề nghị với Nhà máy Cơ khí chè Phú Thọ cử công nhân cơ khí bậc cao kết hợp với công nhân cơ khí của Công ty gia công chế tạo giàn băng tải nghiêng đưa chè từ băng tải làm nguội lên hệ thống máy vò lần 1, sau đó công nhân tác động vào tay gạt, chè tự động được chuyển đến sàng lần 1, theo băng tải lên máy vò lần 2, máy sàng lần 2 và tự động phân phối cho các máy sấy.
Thấy 7 máy vò đã đứng thành hàng thẳng tắp, ông Sang lại nảy ra sáng kiến làm hệ thống băng tải đổ vào riêng từng máy. Để chế tạo thành hệ thống liên hoàn, ông liên hệ với Nhà máy Cơ khí chè Phú Thọ, mời cán bộ kỹ thuật lên huyện Tân Uyên xem và cùng ông bàn cách thực hiện. Sau khi kiểm tra, cán bộ kỹ thuật cho rằng nếu ông Sang cải tiến theo hướng này thì sẽ thành công. Ông liền chỉ đạo các phòng, ban chức năng tham khảo làm thủ tục hợp đồng chế tạo hệ thống băng tải vò với Nhà máy Cơ khí chè Phú Thọ.
Theo đó, hệ thống vò lần 1 với 12 máy được đặt thành hai hàng băng tải gầm đưa sản phẩm ra máy sàng tơi lần 1, vò lần 2. Các băng tải cho chè vào thùng vò được chế tạo chiều dài theo khoảng cách giữa tâm 2 mày vò và đặt nghiêng 250, cái nọ đổ chè cần vò nối tiếp cái kia và từng cái có nút đảo chiều quay. Tuy nhiên, khi máy vò hoạt động lại nảy sinh vấn đề chè bị văng ra ngoài và khối lượng vò ít, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, do vậy phải cơi thùng vò lên 20cm và chế tạo phễu hứng chè. Để đảm bảo sản phẩm được liên hoàn, ông Sang lại chỉ đạo Tổ cơ điện tận dụng một số vật tư của công ty hiện có và mua thêm thiết bị, chế tạo và lắp đặt thêm băng tải đưa chè từ khâu vò chuyển sang 3 sấy. Năm 2013, ông Sang tiếp tục cho chế tạo băng tải đưa chè từ khâu sấy đến khâu thành phẩm cuối cùng để đảm bảo dây chuyền được sản xuất liên hoàn.
Lợi nhuận, tính ứng dụng cao
Sau hơn 1 năm đưa vào sử dụng, Dây chuyền chế biến chè xanh bán tự động khép kín của Công ty cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội: Cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; sản phẩm ra tại từng máy, không tiếp xúc với nền xưởng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vì sức khỏe người tiêu dùng; giảm lao động từ 19 công nhân trong dây chuyền xuống còn 8 công nhân. Chất lượng chè được nâng lên, người tiêu dùng trong nước ưa chuộng và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc…
Ông Bùi Việt Cường - Chủ tịch Liên Hiệp các hội Khoa học  Kỹ thuật tỉnh đánh giá: Việc không ngừng cải tiến dây chuyền của Công ty đã góp phần cùng tỉnh hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Không chỉ làm lợi cho công ty hơn 784 triệu đồng/năm, dây chuyền còn có thể áp dụng rộng rãi trong các nhà máy chế biến chè có cùng công nghệ.
Từ những kết quả ứng dụng thực tế, sáng kiến chế tạo dây chuyền chế biến chè xanh bán tự động khép kín của ông Vũ Ngọc Sang đã đoạt giải nhất trong Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ nhất (năm 2013 - 2014) do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức.

Bài, ảnh: Vũ Nguyên
Share on Google Plus

About AN NHIÊN CÀ PHÊ

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét