Phía sau người lính biển

Phía sau người lính biển

Truyện ngắn NHỤY NGUYÊN

Hải xin nghỉ phép trở về quê bằng linh cảm. Ai đó trong tiềm thức mách bảo Hải nên về thăm bà ngoại. Giữa lúc sóng cồn đại dương Hải lại bỏ mặc đồng đội trên đảo? Nhất thiết không. Chỉ là về ít ngày rồi sẽ lại theo tàu chở lương thực sắt thép xin măng ra đảo xây âu thuyền. Cái âu thuyền xây xong thì ngư dân đánh bắt cá xa bờ sẽ có nơi trú ẩn mỗi khi bão gió. Ở đảo Sinh Tồn, Hải được gọi với cái tên khác: người chắn sóng. Nên khi nghe Hải trình bày, thủ trưởng đơn vị không nhìn tờ phép mà chỉ hỏi bao ngày?; Hải bảo trừ thời gian đi về, chỉ xin ở lại nhà ba ngày, liền được thêm cho hai ngày nữa.

Có thể đây là chuyến về quê cuối cùng. Có thể lúc quay trở lại, đảo Sinh Tồn đã thành chiến trường trên biển. Vậy tại sao Hải lại nhớ Thảo, rồi viễn tưởng đến một cuộc hôn phối chóng vánh, vồ vập. Rồi đi. Thảo cô đơn héo hắt bên ngoại.
Còn mẹ của Hải, họ ở đâu?
- Mỹ.
Hải không hiểu tại sao họ lại rũ bỏ ruột rà một cách nhẹ nhàng đến vậy, như bụi bặm ở bản quốc. Họ có cha đỡ đầu. Đương nhiên là thế. Một trong nhiều tay Mỹ đã lôi chị em ngoại của Hải xuống một căn hầm để trút bỏ nhu cầu nhục dục.
Hải là cháu đích thực của ai trong chị em sinh đôi? Không rõ. Ngày Hải mới là một đứa trẻ non nớt trong vòng tay chăm bẵm của bà ngoại, “đứa con lai tây” đã hợp thức vợ chồng với một kẻ khác để cùng nhau qua bên kia bán cầu nhận một người xa lạ làm bố. Sẽ khác hoàn toàn, sẽ quay ngược một trăm tám mươi độ với họ, Hải sẽ không nhận những người xa lạ làm cha mẹ. Đứa con lai tây đã bỏ lại khúc ruột là Hải cho bà ngoại lúc nó chưa có khái niệm về kẻ sinh thành ra mình. Biết khóc để đòi hỏi, Hải bắt đầu mường tượng về mẹ được lồng trong bóng hình của ngoại. Lớn lên chút nữa, Hải nhiều lần gọi ngoại với danh từ: Mẹ. Ngoại không đính chính, cứ mỗi lần nghe gọi cứ “ừ, chờ ngoại chút...”. Nghĩ lại Hải không thấy ngượng. Nhìn đôi mắt ngoại biết ngày xưa cô gái ấy đẹp lắm. Nhưng: đôi mắt mù lòa. Ngoại không biết mặt Hải, ngoại cũng không biết đứa con lai tây đã bỏ ngoại rồi bay trên cái gọi là thiên đường của những kẻ vong quốc. Ai tưởng tượng nổi người phụ nữ với đôi mắt lòa và đã gần như khô tuyến sữa vẫn có thể nuôi lớn một đứa trẻ.
Tưởng chừng ngoại sẽ gục giữa chừng. Hải mất trắng. Cuộc đời biết đâu bị nhuộm đen. Đấy là lúc Thảo hiện ra như một sự sắp đặt. Đó chỉ là cảm nhận của Hải. Thảo đỡ đần ngoại Hải từ lúc Hải còn ngờ nghệch xem Thảo là người thân của ngoại phải có trách nhiệm thế thôi. Hải chỉ biết ghi ơn người phụ nữ đó từ lúc Hải biết xấu hổ, không để Thảo tắm cho mình nữa.
Hải không biết mình đang sống trong thời hậu chiến. Hậu chiến là gì nếu không phải những gì còn lại sau chiến tranh tưởng đã ổn định lại có bàn tay xáo trộn. Cả về tâm thức. Vì lẽ Thảo hơn Hải rất nhiều tuổi... hiếm ai chấp nhận một tình yêu như thế.
Hải và đồng đội sống trên biển lửa. Mà biển thì vẫn xanh ngằn ngặt. Xanh đến nao lòng. Giữa biển khơi nghìn trùng phải chống chọi với sóng gió bão bùng không kể xiết. Nói chi đến mắt cú vọ đang dõi vào miếng mồi biển Đông. Cả dân tộc hướng về đảo như nơi Hải đứng gác chính là trái tim của Tổ quốc.
Trên chuyến xe tồi tàn dân chợ buôn thúng bán mẹt vẫn râm ran chuyện những chiếc tàu lạ lang thang vào thềm lục địa. Lạ thay, thôn quê yêu dấu của Hải lại mù thông tin. Những người dân thuần phác sau lũy tre làng chưa hay gì tình hình biển đảo. Cuộc sống yên bình vẫn đang diễn. Họ không biết chứ đâu phải thờ ơ. Hải không hề muốn mang về tin nóng từ biển Đông. Nếu để bảo vệ ngoại và Thảo, Hải có thể chết ngay trước cổng [mà chẳng ai hay] cũng khiến Hải thỏa mãn huống hồ. 
Hải nhớ về Thảo bởi hình ảnh nhiều lúc nước mắt chảy lặng thầm trong tâm hồn người phụ nữ ấy. Lần duy nhất Thảo bật khóc thành tiếng, nước mắt như vỡ ra từ tim là lúc cô dụi đầu vào ngực Hải. Không hiểu nguyên cớ. Hải ôm Thảo thật chặt. Thể trạng đất nước lâm nguy. Tổ quốc đau phía biển Đông, Hải mới chịu buông cảm giác... Không ai hứa hẹn điều gì, hay tự trong sâu thẳm đã có một điều ước?
Từng bước chân đưa Hải trở về ngôi nhà nhỏ trong tâm thế sẽ ôm choàng Thảo. Song khung cảnh lại khác. Nhà vắng. Chiếc giường ở góc và ngoại nằm trên đó. Ốm. Hải tới ngồi bên nắm bàn tay gầy. Ngoại ngước lên nhìn theo phản xạ. “Cháu Hải đây ngoại ơi”. Rướn mình. Đỡ ngoại ngồi dậy, Hải nhìn đôi mắt đẹp. Đã qua rồi thời thanh xuân, ánh nhìn đã mòn sao vẫn cuốn hút lạ. Nếu ngoại có già méo xệch răn reo đi, đôi mắt kia là dấu tích còn lại minh chứng cho một người con gái đẹp.  
Ngoại nói ngoại phải kể cho Hải nghe câu chuyện cuộc đời hai chị em sinh đôi là ngoại mà một người đã nằm dưới căn hầm sâu nào đó - không nhớ. Hai chị em giống nhau đến cả cái gáy, nhìn sau nhìn trước đều nhầm. Nếu là anh em trai biết đâu cũng là tấm bia đỡ đạn cho xóm làng, đằng này bọn ngoại chỉ là cái thứ vui thú cho giặc. Hai chị em tối đó họp du kích xóm liền bị bắt. Chúng bịt mắt giải đi trong đêm, rồi cùng bị tống xuống một căn hầm chiếm được của bộ đội. Ngoại còn nhớ mặt thằng giặc đầu đàn, từ đó tới nay chưa hề gặp lại. Chỉ thấy quen quen qua nét mặt của “đứa con lai tây”...
Thảo về. Đôi quang gánh đặt xuống bên cái nhăng rêu bám. Hải nhìn ra và dường như trong phút ngơ ngẩn anh quên luôn cả ngoại. Hải ghìm mình ngồi yên nhìn ra. Thảo nhấc xô nước đổ vào nhăng... Sức nén của Hải có hạn, cái gì đó muốn bật tung. Hải lao ra và ôm xiết người con gái. Thảo vùng mình đến đứt cả vòng tay khóa chặt của Hải. Sức phá ấy mạnh ghê gớm, cứ như nó được truyền lại từ thời con gái của bà ngoại Hải lúc vụt chạy khỏi hầm. Hải. Thảo chết lặng và thấy mình được nhất bổng khỏi mặt đất. Chốc thôi, nét mặt Thảo bỗng sắc lạnh. Một câu hỏi: “Sao Hải bỏ đảo mà về!” Câu hỏi hay lời quở trách. Hải vui sướng. Hải đang có một “người lớn” chăm sóc, để sự trẻ trung bạo liệt của mình không vượt khỏi bão tình.
Nơi đây, những đồi chè tiếp nối. Trên chuyến tàu nam bắc trở về, Hải hết ngồi lại đứng ở cửa sổ toa nhìn quang cảnh, mới thấy đất nước nên thơ. Cái đẹp phong nhã tựa người con gái quê lặng lẽ tỏa hương, cứ thâm trầm, chậm, thấm tháp vào tâm hồn Hải thứ cảm xúc không thể dứt ra được. Lần Hải xuất ngũ Thảo hái những đọt chè non mởn vừa mới hé cho vào cái ấm đất, một kiểu trà tươi đầu tiên Hải cảm nhận. Đơn giản vậy thôi, hễ nhớ quê vị chè cứ gờn gợn rồi luênh loang trí não. Nhiều đêm ngồi gác trên đảo Sinh Tồn, Hải ước có thể nhảy xuống bơi một mạch về đến nhà, cho dù kiệt sức trong vòng tay ai đó. Hải lại xách đàn ra mép nước và hát “nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội yêu thương, chỉ có loài chim biển, sóng vỗ điệp trùng quanh ghềnh trúc san hô...”, hy vọng biển sẽ chuyển âm thanh về với người phụ nữ còn thao thức giữa vời vợi đêm.
“Trai gái bây giờ có cách biệt nghìn trùng vẫn may mắn hơn chị em ngoại hồi chiến tranh”. Ngoại nói trong tắc nghẹn. Mỗi lời phải đổi lấy nước mắt bằng thôi. Mỗi dòng trong câu chuyện buồn của ngoại phải hao một giọt máu từ trái tim đang héo tàn kia.
Hầm tối. Chúng mở dải bịt mắt cho chị em, không ai hay gì mãi lúc sau mới thấy một khuôn mặt dài lộ dần ra dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu. Rồi nhiều tên nữa, bất đồ ồ lên kỳ cục...
Ngoại ho, nhổ máu và đờm. Thảo chạy ra nhúng khăn lau và đỡ ngoại nằm xuống, vuốt ngực. “Ngoại đừng kể nữa”. Ngoại không biểu hiện gì, khẽ nhắm mắt. Ngọn điện hắt sáng từ phía bàn thờ. Hải dắt Thảo ra ngõ, thong dong trên con đường men theo sườn núi, bên tay trái là nương chè bậc thang bát ngát vô tận đến chân trời mờ xa.
- Có đánh nhau thật không anh?
Hải hơi bất ngờ, quay nhìn Thảo.
- Thảo cũng biết chuyện xung đột biển đảo?
- Hôm kia Thảo chở chè lên thị trấn bán nên nghe được...
- Thật ra... ở quê thì yên bình vậy nhưng bọn anh ngoài đó luôn trong tâm thế của người lính xông trận. Không dám nghĩ đến tương lai...
Thảo im lặng, Hải cũng thấy không nên nói thêm. Một đoạn khá xa, Thảo đứng lại, chủ động choàng tay ôm Hải, rất lẹ làng. Hình như Thảo muốn khóc.
- Thời gian ngắn quá, có lẽ không kịp... có lẽ ta chỉ xin cái giấy kết hôn.
Thảo ôm Hải chặt hơn, và cô khóc thật.
- Thảo đợi. Chị em ngoại xưa thiệt thòi hơn Thảo, đau khổ hơn Thảo trăm nghìn lần...
Hai người trở về đã khuya lắm, trăng sáng hơn. Ánh trăng đầu thu như khối hổ phách chảy rệu xuống nhân gian. Ngoại ngồi đầu giường, đặt trên bàn ăn cuốn vở, viết. Khuôn mặt ấy tươi hơn làm sáng hơn từng nếp nhăn khắc khổ. Ngoại không kể nữa, không kể nổi nữa. Ngoại viết:
...Hắn muốn biết ai là chị ai là em. Cả hai lắc đầu. Hắn chỉ vào một người hỏi “chị?”, lắc; hắn lại chỉ vào người bên cạnh “chị?”, lắc, hỏi tiếp: “là em?” cũng lắc nốt. Hai chị em làm người câm. Hắn thôi khỏi cần biết ai sinh trước ai sau. Hắn quần một lúc hai người, không ai làm người câm được nữa. Khuya, hắn vứt một người cho tụi lính chung nhau. Còn hắn giữ lại một cho tới thời điểm người ấy vuột khỏi tầm tay.
Thảo trở dậy tới bên bảo ngoại ngủ đi mai viết tiếp. Ngoại vẫn cặm cụi từng nét viết trong sự mùa lòa; thứ chữ rành rọt từ hồi học cấp hai đến giờ, cũng bây giờ ngoại mới viết nhiều trang như một bài tập làm văn hồi phổ thông như vậy. Hải đã khoác áo tới bên. Tự dưng ngoại ngẩng đầu, vẫn đắm mình trong không gian của mấy chục năm về trước, cứ như ngoại vẫn kể câu chuyện buồn từ nãy. Ngoại rút cái khăn màu đen từ túi áo thấm nước mắt.
Quân hắn ác lắm. Cháu hãy hình dung mỗi lần chúng găm vào chị em ngoại...
Hải vô tình nhìn lên những dòng chữ dở dang trước mặt... Một đứa con gái non tơ không chịu nổi sự vồ vập cuồng thú của hắn. Lần ấy đau quá cô gái xin tha nhưng đã bị cự tuyệt. Đau thấu tim. Cô quyết liệt kháng cự. Hắn tát cô gái ngã dúi rồi túm tóc lôi tới gần ngoài hầm, ném vào giữa đám lính. Hắn thưởng cô gái của duy nhất hắn cho bọn chúng. Dã man. Bọn chúng đang nhồi em gái cô như một con heo đã kiệt máu. Cô gái quỳ xuống lạy xin tha. Cứ xin, không cần biết chúng sẽ tha cho bản thân hay cho em mình. Bọn chúng càng say, ồ lên nhào tới cô gái. Đứa em tội nghiệp ngóc đầu dậy, phản kháng bằng việc cắn đứt lưỡi. Cô gái nhào tới em ơi ôi em ơi. Ngước mặt kêu trời cô không thấy trời, chỉ thấy vệt sáng xuyên vào qua nắp hầm như tia hy vọng mong manh.
Thảo đỡ ngoại nằm xuống. Ngoại ho thốc. Thảo lại vuốt ngực, ra giếng giặt chiếc khăn đen thấm máu.
Hải sợ mất ngoại, nắm chặt thêm đôi tay già gầy guộc. Ngoại vẫn rất tỉnh táo, bảo Hải ngày mai đưa Thảo lên Phường làm giấy kết hôn, vậy là đã vợ chồng rồi. Hải gật đầu. Ngoại còn dặn mai này cha mẹ có về, tình cảm tùy nơi cháu nhưng tiền bạc thì đừng nhận một xu. Hải dạ.
- Nếu ông con có trở về...
- Cháu không nhận tên Mỹ nào làm ông đâu!
- Không... cháu ạ, cháu [còn] có một người ông rất đáng kính... đó là người yêu của em gái ngoại.
- Sao ạ?
Ngoại chỉ về phía cuốn sổ.
- Cháu hãy mang lên nhà trên mà đọc...
Thảo nép bên vai Hải lặng lẽ trôi theo những dòng chữ buốt nhói.
Căn hầm này nằm ở vùng nào? Cô gái sống trong bóng đêm suốt thời gian bao lâu không thể tính nổi. Bom đạn cày xới. Chiến tranh tàn khốc nhưng riêng cô gái còn lại trong hầm tối vẫn mù tịt thông tin. Hiếm hoi lắm mới nghe thấy tiếng bom. Thèm lắm. Tiếng bom âm âm dội xuống đáy hầm không rõ của ta hay giặc luôn làm sống lại một tế bào. Cô quyết định làm thay nghĩa vụ của em gái bạc phận của mình: đến với bọn lính để chiếm lấy cơ hội tiến gần hơn cửa hầm.
Vẫn những khuôn mặt lợm mửa áp sát. Vẫn cái màu nhá nhem tối lẫn chút sáng của ngọn đèn ẩm ướt. Cô gái chỉ phải phục vụ một tên lính trẻ. Ba tên đã ngủ, không rõ trưa hay tối. Mấy ngày nay vắng hẳn mấy khuôn mặt, có lẽ đã lặn xuống đáy hầm. Khuôn mặt trước cô gái có vẻ hiền. Tên này từ lâu vẫn rất nhẹ nhàng và phần nào đó che chở cô. Nhưng lúc đó cô đã phụ hắn. Ngoài ý muốn. Hắn được cử gác hầm, và cô đã mồi chài, kéo hắn vào cơn mê sảng cho tới lúc miệng hắn không thôi “oh my God”... Cô thốc nắp hầm vụt ra ngoài. Bầu trời. Quê hương chào đón. Một bầu trời đầy ắp ánh sáng. Thứ ánh sáng trong veo mắt mèo lạ lẫm trước một người con gái từ lòng đất xuyên lên đã ùa vào đôi mắt đẹp huyền diệu. Cô chỉ thấy quầng đỏ nhóa nhòa. Và, tắt ngấm. Cô gái nhìn quanh, nhìn lên, dụi mắt, nhắm, mở... tất cả đã chuyển qua màu tối. Đen ngòm. Đôi mắt thiên thần ẩn vào bóng tối. Cô gào lên và chạy. Cũng là đêm tối nhưng ít ra cô đang chạy dưới bầu trời, còn hơn phải chui xuống căn hầm có quỷ. Cô vẫn gào, chạy, máu tóe dưới chân. Một nhánh cây kéo toạc tấm áo mục, cô ngã vật. Đúng ra ai đó đã níu cô, quật ngã và lôi cô vào bụi rậm. Bàn tay thô bịt miệng cô. Ngoài kia, ba tên lính liều mạng chạy ra đuổi theo cô gái.
- Im nào! Anh đây Thương ơi...
Giọng quen thuộc, cô dơ mặt lên nhìn. Màu đen. Cô gái không thể và không bao giờ thấy khuôn mặt ấy nữa. Giọng nói ấy hiện nguyên hình người con trai là người yêu của em gái mình. Cô òa khóc.
- Im nào!...
Cô gái muốn hét lên: “Không, Thương đã chết rồi, chị Hoài đây mà, không phải Thương của em đâu”. Nhưng tắc nghẹn. Hay cô không muốn bật ra sự thật đó.
Bây giờ là bốn tên giặc. Chúng thôi đuổi mà chia nhau ra lùng.
Người con trai:
- Em cứ nằm yêu đây Thương nhé.
Cô gái gật đầu.
- Để anh đánh lạc hướng.
Cô gái níu áo người con trai.
- Đừng lo, phía bên kia đồi có anh em du kích, nổ súng thì chúng cũng chết.
Chàng trai lao vụt đi. Cô gái không biết người con trai chạy về hướng nào. Tiếng chân, tiếng người. Năm phút, mười... đoành! Cô gái giật mình. Đ..o..à..nh..! Sững sờ. Ai bắn ai? Ai chết?! Thai nhi lai tây cựa quậy. Bụng đau ran. Cô gái cắn môi bật máu.
Trang giấy trắng. Thảo và Hải lặng lẽ nhìn nhau, nhìn qua giường ngoại. Đã ngủ. Thảo tới đắp chăn cho ngoại, không nằm bên ngoại như thường đêm. Hải chưa ngả lưng, và Thảo tới ngồi cùng trên tấm phản vẫn vang lên tiếng mọt nghiền canh khuya.
- Nếu giặc đến liệu có giữ được đảo...?
Hải vẫn nhìn tấm chăn Thảo vừa đắp cho ngoại để biết những nhịp thở còn đều.
- Không chắc, nhưng có một sự thật là anh và đồng đội sẽ giữ đảo đến giọt máu cuối cùng.
Quầng mắt Thảo úng nước.
- Anh may mắn lắm Thảo à..., may mắn hơn nhiều đồng đội trên đảo, bởi... giọt máu cuối cùng anh đã gửi nơi em.

N.N
Share on Google Plus

About AN NHIÊN CÀ PHÊ

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét