NHỤY NGUYÊN
Trên rừng ban mây
trắng vĩnh hằng
Truyện ngắn
Những đồng đội đã mất. Những
đôi tay chới với cầu cứu khỏi vòng lửa đạn. Những người từng bám chặt tôi trút
hơi thở cuối. Sao tôi không hề mơ đến họ. Chỉ thấy em. Người sót lại từ cuộc chiến
trong giấc mơ triền miên trắng xóa. Vẫn khuôn mặt non xanh và mái tóc huyền giữa
khói bụi chiến chinh. Con gái tôi đã lớn bằng em. Không ai hiểu... Biết tìm
em nơi đâu giữa bốn bề hoa ban phủ trắng. Hoa dưới thung lũng, hoa bên
sườn đồi, hoa trên đỉnh núi; nơi ngày xưa chiến tranh diễn ra ác liệt,
nay hoa nở trắng bời bời.
Đây đồi A1, kia những mét
hào thấm đẫm mồ hôi và máu. Tự đáy lòng dội niềm thương cảm. Sự sống từ mấy
mươi năm trong đời trỗi dậy, không mấy ai nhận ra con người bước ra từ khói lửa
thảm khốc như tôi. Từng đoàn khách du lịch lẫm liệt đứng nơi cao nhất của ngọn
đồi chụp ảnh lưu niệm, nói cười, riêng tôi quay vào gốc phượng với đôi tròng
mắt đỏ. Ai hiểu thấu nỗi đau này giữa dòng đời khi thiếu vắng người ta thương
mến? Em còn sống hay tan vào mây khói? Sao mãi xuất hiện trong giấc mơ? Tôi
không nguôi hy vọng gặp lại dáng hình mảnh mai dẫu mái tóc ấy đã phai màu rụng
rơi bởi rừng thiêng nước độc. Em sẽ về dẫu tôi không còn nhận ra, dẫu hai ta
như hai người xa lạ sau mấy mươi năm đằng đẵng quen nhau bởi hồi ức về quá khứ
mờ xa.
Chuyến xe chậm rãi bò lên
đồi Pha Đin, mây và hoa và sương phủ kín tầm nhìn; dần chìm vào giấc ngủ, miên
man lại ngỡ mình đang ngồi trên chiếc xe tải phủ lá rừng lắc lư qua con đường
hẹp men theo sườn núi tiến gần hơn chiến trường. Em còn giữ chiếc khăn piêu?
Của một cô gái Thái tặng anh V đó. Anh V lại đưa anh, bảo giữ lấy mà tặng em.
Rồi bọn anh cùng ngồi hút thuốc. Anh đã nung hai vết vào giữa họa tiết bên viền
chiếc khăn làm dấu. Giả như bây giờ thấy lại anh sẽ nhớ ra, dẫu nó được mang
lên từ dưới lòng đất chăng nữa... Biết tìm em chốn nào. Nơi ta gặp nhau nay ken
dày cây cỏ. Hoa ban ngút ngàn. Trời xanh, hoa cũng thắm sắc lạ. Những đồi hoa chen
chúc bất tận trên đồi núi nhấp nhô khiến cảm xúc trong anh nhân lên ngàn lần,
chao ôi, đẹp quặn lòng. Tự hỏi sao cái đẹp lại hoang dã mênh mông thế kia, mê
man cùng mây gió rồi tan loãng phù du. Em có thể là ai đó tất bật trong đời,
sớm nắng chiều mưa trên đồng ruộng. Hình ảnh em bên người chồng thương binh
từng ngày chịu đựng cơn đau từ mảnh đạn âm ỉ trong người thực hơn, không hiểu
sao vẫn gợn lên trong anh? Hay em có thể là người phụ nữ héo hắt đợi chờ một
người đàn ông vẫn chưa tìm được lối về khi chiến tranh đã kết thúc lâu lắm.
Anh đứng trên ngọn đồi cao, xưa
đạn tuôn xối xả. Bây giờ những viền ruộng bậc thang nối nhau quanh co sười núi.
Duy một gốc ban đứng đó. Anh không giải thích được. Nó thích một mình, hay tất
thảy đã héo úa bởi không còn lý do ở lại giữa dòng thời gian bất tuyệt. Nếu em khuỵu
xuống bởi một viên đạn năm xưa và hóa thành cội ban già, thì mỗi xuân về hoa
lại tinh khôi mơn mởn nhựa sống vẫy gọi anh về. Đúng không? Anh nhớ lần chiếc
xe tải chở quân kéo gãy một nhánh ban lớn, hoa vừa bung trắng nõn; anh đã mang
cất bên suối, nghĩ nếu gặp em... Đó là ước mong rất trẻ con và mơ hồ bởi vẫn
biết em đang ở rất xa, không ngẫu nhiên tạt qua nơi anh đóng quân được. Anh V
lại vỗ vai, hỏi có muốn cắt phép hai đứa cùng về quê cưới hỏi? Anh im lặng,
bỗng dưng chồm dậy. Rồi lắc đầu. Không ai nghĩ chiến tranh lại kéo dài đến thế.
Năm ngoái anh theo đoàn cựu
chiến binh ra thăm anh V. Anh nói không rõ nữa. Ôm nhau nghẹn ngào. Một tấm
gương sáng từ đêm trường của chiến tranh rọi về ngày mới. Anh V gợi nhiều kỷ
niệm về đồng đội từng xông pha trận tuyến, để lại một phần máu xương mà nay vẫn
cuộc sống đơn sơ. Cái cúi đầu của anh V khiến anh cảm phục; bất giác hỏi về em.
Anh lắc đầu. Không biết có còn sống... nhưng dẫu là một nắm xương anh vẫn quyết
đưa em về quê cũ. Anh V hứa sẽ nhờ Trung ương tìm giúp. Mà em vẫn nơi đâu. Vậy
mà nay anh V của chúng ta... Lần bộ phim Hoa
ban đỏ phát sóng, anh xem mươi phút liền đứng dậy. Cảm giác tựa như em ở
ngoài vườn, anh phải gọi vào xem, cùng sống lại mùa ban nở rộ, giai đoạn cuộc
chiến vào phần dữ dội. Anh đứng dậy bước ra, rồi quay vào. Đâu có em. Vợ anh
chưa hiểu nhiều về những tháng ngày chúng ta nếm trải... Anh nhớ khuôn mặt em
giữa rất nhiều các cô gái ngồi dưới đồi ban rực đỏ. Người lính hành quân không
dám dừng lại, nếu chỉ đặt ba lô xuống chắc không còn gượng dậy nữa. Hoa ban,
những người con gái và sự mệt nhọc của chặng đường dài. Em đã chạy theo, dúi
vào anh kỷ vật... Phim như chỉ dành cho chúng ta một góc hẹp, song tất cả hiện
về. Anh úp mặt cay đắng. Vợ anh nhẹ nhàng đến ngồi bên. Anh bảo thương đồng đội
quá, những đứa không may mắn như mình. Em biết không, anh còn lưu rất nhiều thư
từ của họ, những lời thiết tha hướng về người yêu với niềm tin mãnh liệt. Đọc
những dòng chữ đó anh ngỡ họ sẽ trong một đêm băng rừng lội suối trở về bên
người yêu dấu. Nhưng cơn đau của cả dân tộc đã trụ vững bước chân họ. Rồi tiếng
nổ long trời, không gian đen ngòm thuốc súng, đạn bay từ trong vùng tối.
Giữa ngút ngàn đau thương,
sống chết đâu dám tính từng ngày, phải vậy chăng chúng ta quá chủ quan về một
dòng địa chỉ. Tên em là “Em”, và tên anh cũng tương tự. Tưởng ngày mai ta sẽ
gặp lại đâu ngờ cuộc hành quân vội vã xóa sạch dấu vết. Anh bất chấp quân lệnh
khắt khe rời đơn vị đến nơi doanh trại nữ tìm em. Bãi hoang với nhánh cây còn
tươi sương đêm. Anh đuổi theo đến kiệt sức, thất thểu lê bước về đơn vị. Anh V
không kỷ luật, lại bảo rồi hai đứa sẽ gặp nhau thôi. Chỉ anh V hiểu thấu chúng
mình. Em còn nhớ lần anh nắm tay chúng mình ấp lại rồi quay đi? Ta ngồi với
nhau suốt chiều. Vào đêm. Có lẽ nếu không có đêm ấy, giờ anh sẽ không đến vùng
trời mây trắng này, anh sẽ không nhớ về em như một vết thương từ chiến tranh
vẫn nhức buốt mỗi trái gió trở trời; chúng ta hẳn đã rẽ về một lối khác. Bầu
trời đen nhẻm, anh thấy những tia sáng lóe lên từ mắt. Em sắp trao cho anh đời
con gái... Nhịp đập dồn của con tim khao khát. Nóng rẫy. Anh ngỡ mình lật tung cả
địa cầu. Nhưng rồi dịu xuống. Chúng ta không thể phải không em. Khi khuôn mặt
còn tươi kia của đồng đội vừa trúng đạn. Giá ta chạy hàng trăm cây số để xóa
được hình ảnh này. Không thể em nhỉ. Đêm cứ trôi, nằng nặng rồi sương xuống
thật nhiều.
Nếu em không xuất hiện trong
những giấc mơ, rất có thể tôi sẽ quên em cùng cuộc chiến. Hình bóng em sáng
trong đêm dài u tối? Tôi cứ vờn theo một bóng hình chập chờn ảo ảnh như vậy
suốt nửa cuộc đời. Từng lạc vào một biển người, bỗng nhận ra em. Chiếc khăn
piêu buông theo gió. Tôi thấy mình bay xuyên qua đám người, nhiều lúc gần chạm
vạt áo của em nhưng khoảng cách kia mãi mãi... Tỉnh lại vẫn nghĩ đó không thể
là giấc mơ. Không tin. Cảm giác chạm vào em năm xưa như còn tươi mới. Mưa trút
xuống cánh rừng dày cây lá. Tiếng pháo xa dội về...
Anh lang thang khắp cánh
rừng. Ở đâu? Ở đâu?! Em ở đâu!! Rừng âm u thâm lạnh. Không còn hơi ấm từ bàn
tay em nắm chặt... Lại một thi thể. Bộ quân phục thân quen của đồng đội đen xỉn
bởi máu khô. Người ta nằm đó lâu quá rồi. Anh không có ý nghĩ nào khác là quyết
tâm đào một cái hố, đánh dấu... Anh nghĩ xa như vậy đó. Tưởng đến cảnh bầu trời
trong xanh, hoa ban trắng trời. Anh cùng thân nhân đi tìm lại ngôi mộ này;
nhưng màu xưa đã khác, không thể nhớ rõ góc rừng năm nao. Hố cạn và chật. Tính
cầm chân cái xác lôi đến, thấy mình bất nhẫn. Anh lật người ta lại, đặt nằm
ngửa ra thật ngay ngắn, để họ nhìn thấy bầu trời lần cuối trước lúc áo đắp mặt và
từng xên đất vung xuống... Em biết không. Em có tưởng tượng nổi không: đó là
một tên giặc! Anh giật mình đứng lên sững sờ. Sao hắn mặc quân phục bộ đội? Anh
không muốn tìm câu hỏi nữa. Ở bâu áo thòi ra di vật... Bức thư tiếng Pháp hắn
viết cho mẹ, anh không đọc được nên cất. Năm ngoái nhớ ra, nhờ dịch; hắn kể về
những pô ảnh chụp được...
Anh, kẻ vô hồn giữa triệu
triệu người hân hoan mừng thắng lợi. Mừng lắm. Sao anh cứ nghẹn lòng. Bước ra
từ cuộc chiến dai dẳng cùng nỗi mất mát quá lớn bỗng thấm cái giây phút: hạnh
phúc và buồn tủi. Cha mẹ không còn, hai người chị lạc vào Nam . Và, em. Anh - như người bị đạn
xé mất nửa hình hài. Em nơi đâu? Nơi đâu? Anh đã giữ lại chiếc máy ảnh của tên
lính Pháp, tập chụp, xin phép anh V được làm phóng viên chiến trường. Những nơi
ác liệt nhất anh đều đến, cốt sao tìm được em. Nhiều lúc mệt rã, tắt ngấm niềm
hy vọng. Anh như người mù giữa sa mạc. Anh V giao cho anh một ngôi nhà có khu
vườn rộng. Anh lên Tây Bắc bứng về mấy gốc ban trồng trong vườn, ba năm sau mới
nở hoa. Nơi lý tưởng cho một đôi vợ chồng. Nhưng hoa nở thưa và màu rất nhạt.
Một sáng nhặt hoa rụng, anh không cầm lòng được nên trả ngôi nhà cho anh V, từ
biệt quá khứ xây dựng một cuộc sống mới. Cũng không còn liên lạc với anh V nữa,
dẫu lâu lâu bọn anh lại “gặp nhau” trên truyền hình, trong từng thước phim tư
liệu của phóng viên nước ngoài liều chết quay trận quyết tử Điện Biên.
Có không ít nhân vật vốn là
thần tượng của một châu lục và thậm chí cả thế giới, rồi bỗng một hôm tai tiếng
đầy mình. Cái chết cũng là dấu mốc thật sự quan trọng để có thể tạm kết công
danh và sự nghiệp của họ. Nói lời đạo đức cao xa trong lúc bản thân không chống
đỡ nỗi lợi danh ấy là sáo rỗng. Anh V không còn xuất hiện nhiều trên các phương
tiện truyền thông, lương tâm vẫn tỏa hương đến những nơi xa xôi nhất. Tin anh V
mất đến với anh từ một người dân bình thường. Anh V đã vĩnh biệt những người
như vậy và cả những chiến công lẫy lừng để đi về cõi ấy. Những hành động nhân
danh vì dân song trước hết đại lợi bản thân chỉ lừa bịp được cỗ máy thông tin
chứ không thể qua mặt lịch sử. Cuộc đời anh V có sự khép lại thật toàn vẹn.
Ngay đến nơi yên nghỉ cuối cùng cũng là sự trở về. Ngại đến cả sự ồn ào nhiễm ô,
anh V làm một cuộc ẩn mình dưới ngàn thông. Tiếng chuông chùa âm vọng bồng
bềnh loan xa ngoài đảo…
Còn em, riêng anh hùng
trong cõi lòng anh cũng quá vĩ đại rồi. Giữa thênh thang nền trời,
linh hồn em là tất cả những cánh hoa ban não nuột. Anh muốn gục
xuống dưới thảm hoa trắng muốt rụng dày điểm xuyết gam màu thắm đỏ
như giọt máu vừa loang. Vết thương mang về từ cuộc chiến hẳn sẽ không
tái phát nếu có em bên mình... Nếu thực sự không còn, em hãy về với
những đồng đội vô danh trong nghĩa trang gió vi vu bốn mùa réo gọi. Xác
thân rồi cũng tan vào cát bụi. 60 năm là quãng thời gian đủ xóa sạch
một hình hài dưới lòng đất sâu. Kiếp này chúng ta không còn thời
gian cho vòng tay ôm nữa. Hãy trở về. Chúng ta đã góp một phần nước
mắt khóc cho đau thương của Tổ quốc, khóc cho ngày hòa bình. Sẽ gặp
nhau thôi. Như anh V về với lòng đất mẹ.
Anh đã tìm
em khắp chiến trường nơi cõi dương gian khổ lụy. Anh tìm em ở nghĩa
trang Độc Lập và nhiều nghĩa trang khác. Danh sách liệt sĩ ở mỗi nghĩa
trang đa phần đều có tên tuổi, nhưng không ai dám định được ngôi mộ này ngôi mộ
kia chính xác phải gắn tên ai, nên mãi cứ là “vô danh”. Giữa trùng trùng bia
mộ không tên, em nằm ở đâu? Có dấu hiệu nhỏ nhoi nào anh có thể nhận
ra. Bó nhang ngút khói, cay xè đôi mắt đau đáu chờ tin hơn nửa cuộc đời. Ngày
xưa khuôn mặt em rám khói đạn bom, nay khuôn mặt ấy rám khói nhang của
lớp người hưởng niềm hạnh phúc từ nỗi đau thời chúng ta. Sợ bỏ sót
một ngôi mộ lại chính là em, anh thất thần cắm nhang lên nghìn trùng bia
đá. Muốn quỵ xuống cảm nhận cơn đau của viên đạn từ bên kia chiến
tuyến xuyên vào ngực như bao đồng chí. Em có thể nằm giữa nghĩa trang
nào đó, nhưng anh không biết tên em... Anh cũng sẽ tìm em ở bên kia dốc
đời, dẫu đó là một không gian âm u tăm tối. Bởi khuôn mặt em trong anh
vẫn đôi mươi xanh mãi, dẫu mấy mươi năm dòng lệ kia đã ngấm máu mà
tuôn...
N.N
0 nhận xét :
Đăng nhận xét